Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Masaaki Shirakawa đã tham dự Hội nghị do Hiệp hội Nhật Bản tổ chức tại thành phố New York, Hoa Kỳ. Tại đây, Thống đốc NHTW Nhật Bản đã trình bày tham luận với tựa đề: “Con đường thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tài chính: Những bài học và các hành động chính sách”. Xin giới thiệu những nội dung chính của tham luận này để bạn đọc tham khảo.
Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một cuộc khủng hoảng với quy mô chưa từng có. Nhiều quốc gia đang phải vật lộn với những hậu quả của tình trạng quá tải tín dụng toàn cầu đã tích tụ trong một thời kỳ của cái gọi là “sự điều tiết vĩ đại”. Câu hỏi làm sao để vượt qua tình cảnh khó khăn này đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đặc biệt này, cuộc khủng hoảng của Nhật Bản diễn ra hơn một thập kỷ trước đang gây nên sự quan tâm của rất nhiều người. Nhật Bản đã trải qua một chu kỳ từ tăng trưởng mạnh mẽ đi đến suy sụp từ những năm cuối của thập kỷ 80 cho đến đầu thế kỷ này. Trong cả thập kỷ 90, nền kinh tế Nhật Bản lâm vào tình trạng suy thoái kéo dài. Nhật Bản cũng trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống. Do vậy, thập kỷ 90 của Nhật Bản được gọi là “Thập kỷ đổ vỡ”.
Khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã nghiên cứu tìm hiểu những thất bại trước đó của một số ngân hàng Mỹ như Ngân hàng Quốc gia Lục địa Illinois, Ngân hàng Drexel Burnham Lambert và một số ngân hàng khác để đề ra một khuôn khổ chính sách của riêng mình vào đầu những năm 90 để thực hiện những khoản tài chính dự phòng tại Nhật Bản. Khuôn khổ này dần dần phát triển bao gồm 4 cột trụ vào giữa thập kỷ 90, gồm:

Thứ nhất, khi phát hiện thấy các ngân hàng thiếu vốn, các cơ quan thẩm quyền đã khuyến khích các ngân hàng này thực hiện việc cơ cấu lại và tăng vốn bổ sung từ các nhà đầu tư tư nhân.
Thứ hai, khi xử lý ngân hàng mất khả năng thanh toán, các cơ quan thẩm quyền cần phải khai thác mọi biện pháp, kể cả việc hỗ trợ tài chính của một ngân hàng mạnh hơn thông qua chương trình bảo hiểm tiền gửi, thành lập một công ty quản lý tài sản để tách các tài sản xấu và lập ra định chế cầu nối để duy trì hoạt động của ngân hàng bị đổ vỡ.
Thứ ba, Ngân hàng Trung ương phải hành động với vai trò là người cho vay cuối cùng khi các ngân hàng gặp phải sức ép thanh khoản với nhứng biểu hiện có thể tác động đến toàn hệ thống.
Thứ tư, khi các ngân hàng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường, các cơ quan thẩm quyền cần phải cân nhắc khả năng bơm những nguồn vốn của Nhà nước. Việc tăng vốn như vậy bằng nguồn tiền ngân sách nhà nước cần phải được thực hiện với những cam kết của các nhà quản lý các ngân hàng được nhận vốn từ nhà nước là chịu hoàn toàn trách nhiệm và các cổ đông hiện hữu phải gánh chịu những tổn thất có thể xảy ra.
Những nguyên tắc đồng bộ này vẫn còn giá trị cho môi trường kinh tế thế giới của ngày hôm nay, nhưng chúng cũng chỉ là một phần trong các chiến lược toàn diện để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Nhưng người ta lại đặt ra câu hỏi rằng tại sao những chính sách toàn diện như vậy lại không được thực hiện một cách kịp thời ?
Những gì đã diễn ra trong “Thập kỷ đổ vỡ”?
Thứ nhất, thực ra nền kinh tế Nhật Bản đã lâm vào tình trạng trì trệ trong suốt thập kỷ 90. Trong thời gian đó, tỷ lệ tăng trưởng thực bình quân hàng năm là 1,3%, thấp hơn nhiều so với 4% của thập kỷ trước đó. Tuy nhiên, thậm chí trong năm 1998 là năm tồi tệ nhất sau thời kỳ bong bóng, tỷ lệ tăng trưởng của nước này là – 1,5%, nhưng rõ ràng vẫn không rơi vào tình trạng tệ hại như hiện nay.
Thứ hai, ngay cả trong thời gian tăng trưởng thấp của thập kỷ 90, nền kinh tế Nhật Bản cũng có những biểu hiện phục hồi. Vì thế đã làm cho người dân nhanh chóng tin rằng cuối cùng nền kinh tế của nước này đã tăng trưởng mạnh trở lại. Họ xem ra đã nhầm, thế nhưng bản chất của con người là một khi tình hình được cải thiện đôi chút, thì họ lại trở nên lạc quan.
Thứ ba, cuộc khủng hoảng của Nhật Bản được bàn luận trong bối cảnh giảm phát. Nói một cách chính xác hơn là điều làm người ta quan ngại nhất trong thời kỳ đó là giảm phát tài sản, chứ không phải là giảm phát giá cả. Trên thực tế, giá bất động sản tại các thành phố lớn của Nhật bản từ giá trần giảm xuống giá sàn tới mức -70-80% trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm xuống mức -3% từ 1997 đến 2004. Khó khăn thực sự mà Nhật Bản vấp phải là sự gắn kết nguy hiểm giữa giảm phát tài sản và tình trạng tổn thương của hệ thống ngân hàng.
Thứ tư, sau khi thời kỳ bong bóng nổ tung, tăng trưởng của Nhật Bản có biểu hiện trì trệ diễn ra trong một thời gian dài. Từ thập kỷ 80 bước sang thập kỷ 90, Nhật Bản không thích ứng kịp thời với những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế toàn cầu như làn sóng phân cấp, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ thông tin – viễn thông. Trong bối cảnh đó, các công ty nước ngoài tận dụng cơ sở sản xuất và các kênh phân phối để tạo ra giá trị gia tăng và mạnh mẽ sử dụng các cơ sở thuê từ bên ngoài để cắt giảm chi phí.
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ “Thập kỷ đổ vỡ.”
Thứ nhất, “các hành động táo bạo” không phải luôn luôn được đánh giá là táo bạo sau khi đã thực hiện. Chính phủ Nhật Bản đã bơm một nguồn vốn lớn vào năm 1999 nhưng nó không đủ để hạn chế cái vòng luẩn quẩn giữa suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính. Chính vì vậy nó lại tạo ra tác dụng trái ngược.
Thứ hai, về mặt chính trị, đối với cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Nhật Bản, những hành động chính sách táo bạo và nhanh chóng để duy trì ổn định tài chính xem ra không được lòng dân. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách phải làm cho dân chúng tin rằng các hoạt động khống chế khủng hoảng của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương không nhằm mục đích cứu vãn các ngân hàng đổ vỡ mà là nhằm cữu vãn toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng.
Thứ ba, các chính sách kinh tế vĩ mô không phải là phương thuốc chữa trị bách bệnh mặc dù nó đóng một vai trò chính yếu trong việc chống suy giảm kinh tế trầm trọng. Không thể phục hồi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nếu không thanh toán những hậu quả thái quá xảy ra trong giai đoạn bong bóng. Cũng như vậy, các chính sách kinh tế vĩ mô không thể giải quyết những tổn thất về năng suất phát sinh từ khả năng bất lực của các công ty không thể điều chỉnh các mô hình kinh doanh của mình.
Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng hiện thời, các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới tỏ ra hết sức thận trọng giữa hai yêu cầu là một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho việc cắt giảm tình trạng cho vay tín dụng quá mức, mặt khác ngăn chặn tình trạng suy thoái sâu sắc trong hoạt động kinh tế. Để có thể đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, các kiến nghị chính sách dưới đây dựa trên 4 trụ cột đã từng được thực hiện thành công tại một số nước, trong đó có Nhật Bản:
Thứ nhất, cần phải đảm bảo rằng phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh khoản trên các thị trường tài chính. Đây là điều không thể thiếu được cho sự bình ổn tài chính. Hầu hết các cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ xuất phát từ việc cắt giảm quá mức nguồn tài trợ thanh khoản. Mối quan ngại thanh khoản lan truyền một cách nhanh chóng và có thể làm xói mòn nền móng của hệ thống tài chính. Vì vậy, trong cuộc khủng hoảng hiện thời, một số Ngân hàng Trung ương đã tăng cường mạnh mẽ các chương trình thanh khoản bằng đồng bản tệ. Để giảm bớt sức ép nguồn tài trợ bằng đồng đô la, các Ngân hàng Trung ương lớn cũng đã thực hiện các giao dịch hoán đổi tạm thời với Cục dự trữ liên bang Mỹ nhằm cung ứng đô la cho các định chế tài chính tại các thị trường trong nước của họ.
Thứ hai, khi các thị trường tín dụng chịu sức ép nặng nề, có lúc một Ngân hàng Trung ương dự định xắn tay để hỗ trợ cho hoạt động của thị trường. Phương thức để cho các Ngân hàng Trung ương can thiệp là hoàn toàn khác nhau trong từng hoàn cảnh..
Thứ ba, khi xảy ra cái vòng luẩn quẩn giữa suy giảm kinh tế và mất ổn định tài chính, các chính sách kinh tế vĩ mô cần phải đóng một vai trò tích cực trong việc kích cầu tổng thể. Cắt giảm lãi suất là công cụ chính sách truyền thống nhất, đồng thời cũng phải cân nhắc đến kích cầu tài khóa, nhưng không làm cho chính sách tài khóa lâu dài lâm vào tình trạng tủi ro. Như đã được nêu bật trong thông cáo gần đây của Nhóm G-20, các nước lớn đã thực hiện việc mở rộng tài khóa sẽ đạt mức 5.000 tỷ đô la vào cuối năm nay.
Thứ tư, cần phải có cách tiếp cận chính thức để phục hồi sự ổn định tài chính, có nghĩa là thực hiện đồng thời một loạt các biện pháp chính sách, kể cả việc tăng vốn cho các ngân hàng và loại bỏ những tài sản có vấn đề ra khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng này. Hệ thống tài chính ngân hàng được xây dựng trên lòng tin giữa người cho vay và người đi vay. Một khi nền tảng này bị lung lay, sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục hoạt động bình thường cho hệ thống tài chính ngân hàng. Hiện nay, hệ thống tài chính toàn cầu đang bị tác động nghiêm trọng do bị mất lòng tin. Để xóa bỏ sự lo ngại về tình trạng mất ổn định tài chính, các cơ quan thẩm quyền trên toàn thế giới đã thực hiện một số biện pháp như là bơm thêm vốn, nhà nước bảo lãnh cho các khoản nợ của ngân hàng, tách các khoản nợ có rủi ro cao…
Người ta không trông đợi một sự phục hồi nhanh chóng. Trong khi làm mọi cách để ngăn chặn mức độ xuống cấp các tài sản của các ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách cần phải tuyên truyền tầm quan trọng của sự ổn định tài chính đến những người đóng thuế để họ đáp ứng tích cực những biện pháp chính sách cần thiết, cho dù các chính sách này chưa được dân chúng hậu thuẫn mạnh mẽ.
Nói tóm lại, có 4 nhân tố chủ chốt trong việc chế ngự khủng hoảng tài chính. Đó là 1) Cung cấp đủ nguồn thanh khoản, 2) Hỗ trợ cho các hoạt động của thị trường tài chính, 3) Kích cầu kinh tế vĩ mô, 4) Bơm vốn nhà nước và loại bỏ những nhân tố bất ổn trong bảng cân đối tài sản. Nếu không có các biện pháp chính sách hữu hiệu trong 4 lĩnh vực này, nền kinh tế sẽ suy giảm còn nhanh chóng hơn và sâu sắc hơn.
Các Ngân hàng Trung ương phải làm gì ?
Trước tiên và điều quan trọng nhất là các Ngân hàng Trung ương phải chú ý đến việc ngăn chặn tình trạng bong bóng và giảm thiểu các hậu quả của nó. Các Ngân hàng Trung ương phải cảnh giác về các tình trạng thái quá lại tái diễn trong nền kinh tế. Trong khi tình trạng mất cân đối kinh tế ngày một lớn, nếu ít quan tâm đến sự ổn định giá cả sẽ làm cho các nhà hoạch định chính sách coi nhẹ những dấu hiệu nguy hiểm xuất hiện trong những nền kinh tế lớn hơn. Đây chính là những quan điểm an toàn vĩ mô cần phải được thể hiện. Tình trạng mất cân đối tài chính đặc biệt phát sinh trong việc nới lỏng tín dụng mạnh mẽ, đi vay quá mức bên ngoài, giá cả tài sản tăng vọt hoặc tất cả các yếu tố này gộp lại. Đây là những thông số mà các Ngân hàng Trung ương cần phải theo sát.
Nhưng tình trạng thái quá cũng được thể hiện theo các hình thức khác. Mối thách thức đối với các Ngân hàng Trung ương là ở chỗ tình trạng mất cân đối kinh tế đã trải qua một thời kỳ dài, thậm chí dài hơn nhiều so với quãng thời gian thông thường trong việc thực hiện chính sách tiền tệ. Vì vậy, nếu người ta chỉ chú tâm vào những diễn biến ngắn hạn trong lạm phát giá cả tiêu dùng thì có thể gây ra hậu quả ngoài ý muốn là tạo ra tình trạng bong bóng. Để đối phó với sự bùng nổ bong bóng công nghệ thông tin vào đầu thế kỷ này và mối quan ngại giảm phát đi liền với nó, chính sách tiền tệ đã được nới lỏng trên quy mô toàn cầu và diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Song bất hạnh thay, nó đã trở thành một trong những nhân tố góp phần tạo ra tình trạng bong bóng tín dụng toàn cầu cùng với hậu quả rối loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Các Ngân hàng Trung ương không nên lưỡng lự trong việc nới lỏng tiền tệ một cách mạnh mẽ khi mà điều kiện kinh tế cho phép. Trong một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, các nhà hoạch định chính sách cần phải thận trọng không nên nhầm lẫn giữa sự tăng trưởng tạm thời với sự phục hồi thực sự. Nhưng không có một cuộc khủng hoảng kinh tế nào mà không có hồi kết. Vì vậy, các Ngân hàng Trung ương cũng cần phải suy nghĩ tới việc thoát ra đúng lúc và kịp thời khỏi những biện pháp nới lỏng mạnh mẽ đó. Nếu thoát ra muộn sẽ có thể đi vào một thời kỳ còn tồi tệ hơn.
Chính sách tiền tệ bản thân nó không thể một mình ngăn chặn được tình trạng tái phát tình trạng đi từ tăng trưởng mạnh mẽ rồi đi đến suy thoái. Chẳng hạn như một loạt vấn đề còn cần phải được giải quyết trong lĩnh vực quy chế điều tiết và thanh tra giám sát.
Bức thông điệp mà Thống đốc NHTW Nhật Bản Masaaki Shirakawa muốn gửi đi trong tham luận của mình là: “Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc suy thoái không phải mang tính cục bộ địa phương mà thực sự là một cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu. Lần này, chúng ta không thể dựa vào những người khác để cứu chúng ta thoát ra khỏi cánh rừng rậm. Và trong năm qua, chúng ta đã đạt được một số thành tựu trong cuộc chiến chống khủng hoảng. Trên tinh thần đó, chúng ta sẽ tiếp tục vạch ra các giải pháp cả riêng và chung. Chúng ta hãy tiến lên phía trước nhằm xây dựng lại hệ thống tài chính bền vững và hữu hiệu cho chúng ta và cho các thế hệ tương lai của chúng ta.”
NGUỒN: PMH /www.sbv.gov.vn